Giá xăng rập rình tăng, người tiêu dùng lo lắng ẢnhHoàng Long Tăng giá mà vẫn lỗ Bất chấp giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nội địa vẫn khẳng định trong tình trạng thua lỗ(?). Chuyện này đúng sai và vì mục đích gì, chắc hẳn chỉ các DN này biết mà thôi. Ngày 29-7, đại diện một đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam chia sẻ với phóng viên, nếu tính giá cơ sở bình quân 10 ngày thì mặt hàng xăng Ron đang thấp hơn giá bán hiện hành 430 đồng/l, mặt hàng dầu là 238 đồng/l; còn nếu tính theo giá cơ sở bình quân 30 ngày thì mặt hàng xăng Ron thấp hơn 401 đồng/l, 67 đồng/l với mặt hàng dầu. Cụ thể giá cơ sở bình quân 30 ngày (đến 28-7) đối với mặt hàng xăng Ron là 118.8 USD/thùng. Vị đại diện doanh nghiệp đầu mối này cũng khẳng định, không hề có chuyện doanh nghiệp đầu mối đang lãi lớn kể từ ngày được tăng giá 17-7. Giá xăng dầu thế giới, mà chính xác là giá dầu thô giảm ở sàn giao dịch Mỹ. Còn Việt Nam, 70% khối lượng xăng thành phẩm nhập khẩu từ Singapore. Tại đây, giá xăng không hề đi xuống. DN hiện nay rất "khó” vì định mức chi phí cũng chỉ còn 100 đồng/l. Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giao trên sàn hàng hóa New York giảm 79 cent, tương ứng với mức 0,8%, xuống còn 104,70 USD mỗi thùng. Đây là mức chốt theo ngày thấp nhất kể từ phiên 11-7 cho đến nay. Trước đó, giá dầu thô loại này còn tụt xuống còn 103,90 USD mỗi thùng. Tính chung cả tuần, dầu thô hợp đồng tới tháng 9 đã giảm 2,9% giá trị. Nếu so với mức giá chốt cuối tuần trước của dầu thô hợp đồng tháng 8 (hiện đã hết hạn) là 108,05 USD mỗi thùng, hiện giá dầu thô kỳ hạn tại sàn giao dịch New York đã giảm tới 3,1%. Chủ tịch HĐQT một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu khác cũng lên tiếng: "Kêu lỗ nhiều thì phản cảm, chẳng ai tin. Giá xăng vừa tăng, cũng không thể kêu cơ quan quản lý được nữa. Giai đoạn này tiếp tục chờ giá thế giới biến động giảm. Định mức cũng đã bị cắt giảm, chỉ mong người tiêu dùng hiểu nỗi khổ của DN đầu mối”. Nghị định 84 sửa đổi: vẫn chưa thấy hình hài Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2012, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Lê Minh Khái đã đánh giá chung về quy định quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay: "Chính sách điều hành giá bán xăng dầu, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn nhiều bất cập. Chẳng hạn như giai đoạn kinh doanh lỗ vẫn phải trích quỹ bình ổn, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư nhưng vẫn phải sử dụng quỹ, việc thay đổi mức trích, chi quỹ không hoàn toàn bám sát sự biến động giá cả thị trường nên DN bị động”. Trước điệp khúc "lỗ triền miên”, chờ cơ chế mới từ nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính), PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, đáng lẽ Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu sửa đổi cần sớm công bố thì lại "bặt vô âm tín”. Theo ông Long, cách tính giá bán lẻ xăng dầu mới vẫn chưa được chốt. Trong thời gian chờ sửa đổi, doanh nghiệp vẫn cứ tố lỗ là điều đương nhiên. Phía người tiêu dùng chỉ biết tiếp nhận thông tin một chiều mà thôi. "Nghị định sửa đổi càng chậm thì cơ chế giá xăng còn nhiều bất cập”. Các chuyên gia khác cũng khẳng định, trong quãng thời gian chờ đột phá với sự ra đời nghị định mới, các doanh nghiệp sẽ tích cực sử dụng những "mẹo mực” kế toán, khai báo, đo lường và thủ thuật gian lận khác để báo cáo về giá bán lẻ, và giá cơ sở xăng. Điều này được chứng minh bằng việc, doanh nghiệp miệng kêu lỗ nhưng lương điều hành vẫn cao. Tại tập đoàn xăng dầu Petrolimex, ban lãnh đạo, chủ tịch tập đoàn cũng như hội đồng thành viên vẫn có mức lương từ 40 – 58 triệu đồng/người/tháng. Trong khi mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên tại tập đoàn này đều ở mức trên 6 triệu đồng/người/tháng. Việc chậm công bố Nghị định 84 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu chỉ làm thiệt cho nền kinh tế, cho người dân, duy nhất làm lãi cho DN. Đ.Hằng |