Chỉ sau một vài thập kỷ, Israel đã chuyển đổi thành công “từ một nền kinh tế lạc hậu theo đường lối bán tập trung để trở thành một siêu cường về công nghệ cao”, như tạp chí The Economist từng nhận định năm 2010. Tính trung bình trên đầu người, Israel có nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Và trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng vừa qua, nền kinh tế Israel cũng chỉ bị tròng trành chút đỉnh.
Có bốn nguyên nhân chính (ngoài những lý do khác) khiến Israel có nền kinh tế phát triển thần kỳ như vậy.
Rút kinh nghiệm sau khủng hoảng
Ngày nay người ta coi Israel như một Thung lũng Silicon của khu vực Trung Đông, nhưng nhìn lại năm 1984, Israel cũng chẳng khác gì so với Zimbabwe bây giờ. Vào năm đó, tỷ lệ lạm phát của Israel trung bình là 450%, và chỉ ít tháng sau vọt lên tới 950%. Nền kinh tế của đất nước này, nói ngắn gọn là đang tự ăn thịt chính nó.
Nguyên nhân căn bản nào từng gây ra nạn lạm phát phi mã ở Israel? Kể từ cuộc chiến tranh Yom Kippur 1 năm 1973, Israel bắt đầu tăng mạnh chi tiêu công. Tới cuối thập kỷ 1970, chi tiêu của Chính phủ Israel chiếm tới ba phần tư GDP quốc gia, gây ra mức thâm hụt ngân sách khổng lồ, được bù đắp bởi tiền in ra từ Ngân hàng Trung ương Israel. Lạm phát khiến lương người lao động ở Israel buộc phải tăng theo chi phí sinh hoạt, càng làm nền kinh tế thêm khó khăn.
Lạm phát phi mã kéo theo nạn thất nghiệp, khiến các nhà quản lý đất nước chỉ mê mải cuốn theo mục tiêu tạo công ăn việc làm, trong khi vấn nạn trầm kha là thâm hụt ngân sách vẫn không được ngó ngàng tới một cách đúng mức. Hậu quả là sức khỏe nền kinh tế tiếp tục đi xuống, không chỉ phải đương đầu với nạn lạm phát mà còn lâm vào khủng hoảng ngân hàng, khi các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền ra khỏi đất nước, và người ta lo ngại rằng Israel có thể sẽ không trả nổi nợ nước ngoài.
Trước tình hình trên, năm 1985, các nhà lãnh đạo Israel tổ chức một cuộc họp kéo dài trong một ngày đưa ra được một kế hoạch tổng thể bao gồm các biện pháp cắt giảm chi tiêu công, phá giá đồng tiền triệt để, và chia tách mối quan hệ giữa lương và giá. Ngoài ra, họ còn đưa ra những quy định cho một ngân hàng trung ương có vai trò độc lập.
Đây có thể coi là sự khởi đầu cho một nền kinh tế Israel hiện đại, chuyển đổi từ mô hình quản lý kinh tế lấy Nhà nước làm vai trò trung tâm, sang mô hình kinh tế thị trường chính thống hiện đại.
Chào đón những tài năng nhập cư
Nền kinh tế Israel trở về xu thế phát triển lành mạnh sau khi Chính phủ bắt đầu triển khai những chính sách kinh tế phù hợp. Tuy nhiên, Israel còn được hưởng lợi đáng kể từ vận may trăm năm có một. Đó là luồng di cư của những người Do Thái rời khỏi Liên Xô tan rã. Trong bối cảnh chính sách nhập cư của Mỹ gây rào cản cho một phần lớn người Nga gốc Do Thái, lựa chọn điểm đến hiển nhiên cho họ là Israel. Từ 1990 tới 1997, hơn 710 nghìn người từ Liên Xô cũ đến định cư ở Israel, làm tăng lực lượng dân cư trong độ tuổi lao động ở đất nước này thêm 15%. 60% những người nhập cư này có bằng cử nhân, trong khi bản thân đất nước Israel khi đó chỉ có 30-40% dân chúng có bằng cử nhân. Làn sóng nhập cư giúp kích thích tăng trưởng, xã hội có thêm nguồn lao động, nền kinh tế có thêm khách hàng, và ngân sách có thêm nguồn thu. Đặc biệt khi những người dân nhập cư này có chuyên môn về cơ khí, quản lý, sư phạm, v.V, thì lực đẩy tăng trưởng càng tích cực hơn.
Chính phủ hỗ trợ đầu tư mạo hiểm(trong ngắn hạn)
Ngày nay chúng ta thường gọi Israel là “quốc gia khởi nghiệp.” Cái tên lấy xuất xứ từ tên cuốn sách của hai tác giả Dan Senor – từng là cố vấn cho ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney – và Saul Singer. Cuốn sách cho thấy tính cách táo tợn, giàu tham vọng, và năng lực vượt qua nghịch cảnh ở người dân Israel, chính là bí quyết thành công tại những vườn ươm công nghệ của đất nước này. Cây viết Zach Goldfarb của tờ Washington Post gọi đây là “luận đề chutzpah”. Có lẽ quả thật phẩm chất chutzpah (trong tiếng Do Thái có nghĩa là táo tợn) là một phần của nguyên nhân làm nên thành công ở các doanh nghiệp khởi nghiệp Israel. Nhưng để những doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel tồn tại được trong thời kỳ trứng nước thì không thể bỏ qua vai trò trợ giúp của Chính phủ.
Mặc dù Israel sớm có những tiền đề tốt để phát triển công nghệ, chẳng hạn như Chính phủ đã đầu tư gián tiếp cho công nghệ khá nhiều thông qua nghiên cứu phục vụ quốc phòng, đồng thời các doanh nghiệp có thuận lợi lớn là dân chúng được đào tạo, giáo dục một cách bài bản, nhưng trong giai đoạn phát triển ban đầu, họ vẫn thiếu một chất xúc tác quan trọng: các nhà đầu tư mạo hiểm.
Theo Glenn Yago, một nhà quản lý cao cấp tại Trung tâm Israel thuộc Viện Milken, vào thời đó ở Israel hầu như không có vốn đầu tư mạo hiểm. Thay vào đó, nền kinh tế hầu như bị chi phối bởi các doanh nghiệp khổng lồ được nhà nước hậu thuẫn. “Về cơ bản, đó là một nền kinh tế tư bản thân hữu” (là nền kinh tế trong đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc vào quan hệ với các quan chức và chính phủ), Yago nói.
Nhưng thực tế này bắt đầu thay đổi từ chương trình Yozma năm 1993, một quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn lên tới 100 triệu USD do Nhà nước sở hữu. Một phần tiền từ quỹ được đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, chương trình này còn lôi kéo các nhà đầu tư mạo hiểm của nước ngoài lập ra các quỹ ở Israel, dựa trên các chính sách ưu đãi của Chính phủ Israel như giảm thuế và cam kết nguồn vốn đối ứng trong nước. Nhờ vậy, Israel đã tạo ra được tiền đề phù hợp để tới năm 2000 thị trường đầu tư mạo hiểm phát triển một cách độc lập đầy năng động, là bệ phóng cho hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp mỗi năm – sau khi thị trường đầu tư mạo hiểm hoạt động đi vào ổn định, Chính phủ Israel cho tư hữu hóa Yozma từ năm 1998.
Tới năm 2005, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoàn tất những nỗ lực cuối cùng để giải tỏa sự can thiệp của Nhà nước đối với ngành công nghiệp tài chính Israel, khi đó đã đủ lông đủ cánh. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận công lao ban đầu của Nhà nước Israel trong việc thi hành những chính sách thông minh để có thể từ con số không gây dựng và ươm tạo thành công một hệ sinh thái phù hợp cho các doanh nghiệp công nghệ.
Một vị thống đốc ngân hàngtrung ương tài ba
Có nhiều lý do giúp Israel thoát hiểm qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng những hậu quả tiếp sau đó. Đầu tiên phải kể đến việc Israel đã thực hiện hợp lý một chính sách chi tiêu gần với đường lối Keynesian cổ điển, đó là cắt giảm thâm hụt trong thời kỳ kinh tế đi lên, rồi chuyển sang kích thích tăng trưởng khi nền kinh tế đi xuống. Nhưng Israel còn có một vũ khí lợi hại khác: Stanley Fischer, một người sinh ra ở Zambia, được đào tạo ở Mỹ, nay là Thống đốc Ngân hàng Israel. Ông cũng từng là giáo sư ở MIT, kinh tế trưởng ở Ngân hàng Thế giới, phó giám đốc điều hành ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và phó chủ tịch tập đoàn Citigroup. Khi được bổ nhiệm vào vị trí điều hành chính sách tiền tệ của đất nước, ông còn chưa có quốc tịch Israel. Nhưng kể từ khi đảm nhiệm cương vị này năm 2005, ông đã giúp giá trị đồng tiền nội địa tương đối ổn định so với đồng USD luôn biến động – qua đó hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu – đồng thời chèo lái nền kinh tế tăng trưởng vững vàng.
Một bài viết nổi tiếng của blogger Evan Soltas chỉ ra rằng sự tăng trưởng này của Israel có lẽ là kết quả từ một chiến lược gây tranh cãi có tên gọi “hướng theo chỉ tiêu GDP danh nghĩa” (“nominal GDP targeting”), trong đó Ngân hàng Trung ương đặt ra một mục tiêu tăng trưởng hằng năm và cố gắng đạt được mục tiêu đó, bằng cách tạo ra lạm phát, hoặc kích thích tăng trưởng thực trong nền kinh tế. Có nghĩa là ngăn ngừa các khoản nợ tư gây suy thoái kinh tế, bằng cách đảm bảo rằng thu nhập tăng ổn định, cho dù tăng trưởng thực có bị chậm lại một chút.
Bài học rút ra
Chính sách nhập cư cởi mở và sự năng động của các nhà đầu tư đóng vai trò đáng kể nhất cho thành công của nền kinh tế Israel. Nhưng bên cạnh đó không thể bỏ qua vai trò quan trọng của những người quản lý thể hiện qua sự khôn ngoan trong chi tiêu công, những mối quan hệ hợp tác công tư, và chính sách đảm bảo GDP danh nghĩa tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Chính phủ Israel rất thức thời để biết khi nào cần nhường sân chơi cho khu vực tư nhân, và khi nào cần can thiệp vào thị trường để hỗ trợ cho các nhà đầu tư; hoặc khi nào cần đối phó với lạm phát, và khi nào thì cho phép lạm phát một cách giới hạn và tạm thời để phục vụ cho tăng trưởng. Đây là những bài học hữu ích cho các nhà quản lý.
Thanh Xuânlược dịch
http://www.Theatlantic.Com/business/archive/2012/08/its-not-just-the-culture-stupid-4-reasons-why-israels-economy-is-so-strong/260610/
---
1 Cuộc chiến giữa Israel và liên minh các nước Ả Rập do Ai Cập và Syria đứng đầu, diễn ra từ ngày 6 tới 25/10 năm 1973, còn được gọi là Cuộc chiến tháng 10.
|