Đã 1 tháng sau khi các ngân hàng hoàn thành hạn mức tất toán vàng, nhưng hầu hết lượng vàng mà NHNN bán ra trong các phiên đấu thầu đều được mua hết. Liệu có phải lực cầu của dân cư quá lớn trên thị trường bán lẻ, hay những “tay to” đầu cơ bắt đầu tái xuất?
Khó hiểu lực mua Tính đến thời điểm này, NHNN đã tổ chức 47 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC, bơm ra thị trường gần 49 tấn vàng. Đáng ngạc nhiên là, gần như tất cả 10 phiên đấu thầu vàng sau ngày 30/6 đều cháy hàng, dù nhu cầu tất toán vàng của các ngân hàng thương mại không còn nhiều. Trong khi đó, chính các ngân hàng và doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng đều thừa nhận, mãi lực vàng từ dân cư không quá mạnh. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng cho biết, bản thân ông rất ngạc nhiên khi thấy lực mua vàng vẫn mạnh sau ngày 30/6. Trước đó, ông Dũng tin tưởng, khi NHNN bơm vàng ra thị trường và các ngân hàng cơ bản tất toán xong trạng thái, thì lực mua vàng sẽ trở lại bình thường. Còn theo phản ánh của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), lượng mua của dân cư không có gì đột biến so với trước đây. Vậy số vàng đấu thầu đi đâu? Tại sao cầu vàng và giá vàng vẫn nóng? Ai đầu cơ trên thị trường vàng? Theo ông Nguyễn Quang Huy (Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN), lực mua vàng trên thị trường hiện nay chủ yếu là mua lẻ. Có giả thuyết cho rằng, một số “tay to” trên thị trường vàng đã xuất hiện trở lại, song đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, chưa có dấu hiệu về sự hiện diện của các đối tượng đó. Trên thực tế, những giao dịch lớn trên thị trường mà NHNN ghi nhận là không nhiều. Hơn nữa, theo phân tích của một DN kinh doanh vàng, giá vàng vẫn trong xu hướng giảm, nên ít nhà đầu cơ vàng nào nhảy vào ôm vàng thời điểm này. Giả thuyết thứ hai, liệu có phải ngân hàng bắt tay nhau găm hàng, làm giá vàng? Để chặn ngân hàng đầu cơ, NHNN đã áp “van” trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng là 2%. Quy định rất chặt chẽ, song nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng, khả năng bắt tay làm giá của các ngân hàng vẫn còn. Lý do là, 2% mức vốn tự có của 22 ngân hàng được phép kinh doanh vàng hiện nay đạt khoảng 2.640 tỷ đồng đồng, tương đương 70.000 lượng vàng được phép găm giữ trong ngày, nên nếu khả năng “bắt tay” xảy ra, thì việc làm giá rất đơn giản. Dù vậy, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lớn cho rằng, việc “bắt tay” của tất cả 22 ngân hàng được phép kinh doanh vàng là điều không thể. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank, kinh doanh vàng miếng rất rủi ro. “Khác với kinh doanh tiền, chênh lệch huy động và cho vay có thể lên tới 2 - 3%, kinh doanh vàng chỉ hưởng chênh lệch vài phần nghìn. Trong khi đó, thị trường vàng lên xuống bấp bên, giờ giao dịch của Việt Nam và thế giới lại khác nhau, nên rủi ro rất lớn”, ông Hưng nói. Đại diện NHNN cũng khẳng định, cơ quan này đã đưa ra rất nhiều chế tài để chặn mọi cửa đầu cơ vàng của các ngân hàng. “Chúng tôi đưa ra những điều kiện vô cùng khắt khe đối với kinh doanh vàng của các ngân hàng. Các ngân hàng đã kêu ca, phàn nàn rất nhiều, nhưng chúng tôi vẫn quyết siết chặt để giảm thiểu khả năng đầu cơ, giảm thiểu khả năng rủi ro của các ngân hàng. Chưa kể, thanh tra NHNN lúc nào cũng rình rập ở cửa các ngân hàng, sẵn sàng nhảy vào để thanh kiểm tra, nên không thể có chuyện ngân hàng đầu cơ vàng”. Rõ ràng, xét về lý thuyết, khả năng đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng hiện nay là rất khó. Song thực tế không hẳn như vậy. Chính NHNN cũng thừa nhận, cơ quan này vẫn đang tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường vàng. Trong lúc cầu của thị trường chưa được xác định rõ, thì sự can thiệp của NHNN vẫn theo kiểu “ném đá dò đường”. Thùy Liên |